Dịch vụ khách hàng 24/7

Hotline: 0983 454 737

 
 

Khám phá Việt Nam

 

Phú Thọ, miền đất tổ với 18 vị vua Hùng đã có công dựng nước, một địa danh gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, vật thể và phi vật thể, trong đó, có 1 loại nhạc cụ độc nhất vô nhị mà ít người được biết, đó là trống đất, 1 trong những nhạc cụ cổ nhất Việt Nam.

Tương truyền,  Vua Hùng sau khi thắng giặc, về ngang qua làng Thể Cần, (tức làng Tân Lập , huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bây giờ) thì cho quân sĩ dừng lại, hạ trại nghỉ ngơi và tổ chức ăn mừng chiến thắng . Trong quá trình đào đất, chôn cọc dựng trại, Đức Vua nằm nghỉ áp tai xuống mặt đất nghe được âm thanh của tiếng đào đất chôn cọc “thình thình” dội lại thật lạ tai nên nhà vua đã nghĩ tới việc làm Trống Đất. Từ đó Trống Đất đã trở thành nhạc cụ cho ngày hội ăn mừng khao quân thắng trận. Và có thể nói, trống đất chính là thủy tổ của các loại trống có từ hàng ngàn năm nay. Thật tiếc, bởi những đặc điểm chế tác và biểu diễn đặc biệt của nó mà âm thanh của trống đất đã gần như ít được vang lên trong những ngày hội.

Nghệ nhân Đinh Văn Nhật chính là nghệ nhân duy nhất biết làm và biểu diễn trống đất tại xóm Nưa Thượng, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn. Những nghệ nhân thế hệ trước đó đã truyền dạy cho ông Nhật rất kỹ lưỡng về kỹ thuật làm trống đất và cách đánh trống. Và tất nhiên, ông Nhật cũng không thể quên 1 nghi thức không thể thiếu trước khi làm trống đất, đó là lễ cúng thần linh, thổ địa.

Sau khi đã được sự cho phép của các vị thần linh, thổ địa nơi bản làng, ông Nhật mới bắt tay vào việc tìm vật liệu làm trống. Ông Nhật phải đi vào rừng, chọn thật cẩn thận các loại cây và dây, sao cho đủ độ dai, dẻo, đủ kích thước cần có cho việc tạo ra những âm thanh hoàn hảo. Chỉ cần một sợi dây rừng  dày chừng 6mm, dài hơn 2m, hai tay bương (cành bương) dài một mét, to cỡ ngón tay cái, hai mo nang khô, vài chiếc nẹp tre và vài sợi lạt tre tươi. Chọn nơi đất mịn, không có sỏi đá và bằng phẳng, dùng dao nhọn, sắc khoét một hố tròn đường kính 20cm, sâu 35cm, ở giữa phình ra kiểu hình chum, rộng khoảng 40cm, dưới đáy thắt lại bằng miệng hố. Hai chiếc mo nang khô úp tráo đầu chồng lên nhau che kín miệng hố. Lấy 4 que nhỏ ghim xung quanh, dùng nẹp tre ghim 4 bề để ép phẳng mo nang. Hai cọc bương cắm hai bên, cách tâm mặt trống mỗi bên 1m. Lấy sợi dây rừng nối hai đầu cọc, căng thật thẳng. Sợi lạt tre thắt nút một đầu, xuyên giữa mặt trống , luồn lên trên buộc vào giữa sợi dây rừng. Thế là có một chiếc trống đất. Người “đánh trống” dùng hai chiếc đũa tre gõ lên sợi dây trên mặt trống, từng khoảng cách từ cọc trống vào giữa sẽ có những âm vực khác nhau, âm thanh từ sợi dây chuyền qua sợi lạt dọc, xuống mặt trống và được cộng hưởng bởi hố đất. Nếu dùng tay vít rung cọc trống, sẽ có âm thanh ngân dài như tiếng đàn bầu, hoặc chặn bàn tay lên đây, sẽ tạo âm thanh khô đanh như tiếng đàn T’rưng. Với những vật liệu vô cùng đơn sơ như vậy nhưng khi phát ra âm thanh, nó có thể khiến bất cứ ai nghe đều trầm trồ đến ngỡ ngàng.

 


 

Các tin khác liên quan